Biện pháp thi công ép cọc theo tiêu chuẩn mới nhất

Công tác ép cọc bê tông cốt thép:

            Cọc BTCT được thi công theo yêu cầu thiết kế và TCXD 190 : 1996.

            Để  đạt được yêu cầu chất lượng, kỹ thuật chúng tôi tuân thủ chặt chẽ các qui trình kỹ thuật thi công.

a- Công tác chuẩn bị:

– Kiểm tra mặt bằng, giải phóng các vật cản ngầm gây ảnh hưởng cho công tác ép cọc BTCT như: Móng nhà cũ, các công trình ngầm vv…

– Cán bộ kỹ thuật được nghiên cứu và nắm chắc thiết kế của cọc chuẩn, bị thi công.

– Tất cả các cọc được tập kết đều được kiểm tra chất lượng nếu có sai phạm phải loại bỏ ngay.

– Tập kết thiết bị: Cần trục, máy ép cọc để phục vụ công tác ép cọc. Kiểm tra các thiết bị lần cuối, hiệu chỉnh đồng hồ áp lực có chứng chỉ đi theo, tổ chức vận hành thử máy chạy không tải.

– Trước khi thi công phải kiểm  tra nguồn điện, nguồn nước.

– Trình tự di chuyển máy vị trí đặt máy đảm bảo ổn định, an toàn tuyệt đối.

– Hàng ngày cán bộ kỹ thuật sẽ lập các biện pháp kỹ thuật an toàn khả thi cho từng công việc cụ thể và trực tiếp phổ biến đến các Công nhân thực hiện trước khi làm việc.

– Lập sổ theo dõi và các biên bản nghiệm thu cho từng cọc.

 b. Định vị mũi cọc :

– Cán bộ kỹ thuật căn cứ mặt bằng thiết kế cọc và hệ trục đã được xác định trên hiện trường. Lập biện pháp chuyển các trục theo hai phương để xác định tim cọc. Khi thực hiện công tác này đều có sự giám sát, kiểm tra và nghiệm  thu của cán bộ giám sát kỹ thuật công trường. Vị trí tim của các cọc được xác định trên mặt bằng chỉ cho phép sai số là : ± 2 mm. Các cao độ mặt đất tại tim cọc phải được xác định với độ sai số là: ± 5 mm.

– Các thông số trên được xác lập trên phiếu theo dõi công tác có đầy đủ chữ ký của những người liên quan thực hiện sau khi xác định vị trí cọc trên mặt bằng thực địa và xác lập biên bản mới tiến hành đưa máy ép cọc vào vị trí.

C- Công tác ép cọc:

            C1 . Công tác đúc cọc :

            – Cọc được đúc theo đúng bản vẽ thiết kế việc đúc cọc tuân theo kết cấu BTCT lắp ghép quy phạm TCVN 4452 – 87 . Đá sỏi theo yêu cầu của TCVN 1771 – 87 . Cốt thép được gia công theo TCVN 4452 – 87 cốt thép AI có cường độ Ra = 2.300kg/ cm2 , AII Ra = 2800kg/ cm2 . Bê tông M 250.

– Đầu nối cọc có đầu thép như trong thiết kế, liên kết các bản thép bằng liên kết hàn.

            – Sử dụng cốp pha định hình của Công ty để đảm bảo hình dạng kích thước hình học của cọc  không được có khuyết tật về cấu trúc . Tiết diện sai số không qúa 2%, chiều dài cọc sai số không quá 1%. Mặt đầu cọc phải phẳng và vuông góc với trục cọc . Độ nghiêng nhỏ hơn 1%. Độ cong không vượt quá 0,5%.

            – Các cọc đúc xong phải được đánh dấu ngày đúc trên thân cọc.

            – Bê tông cọc sau khi đổ 10-12h được bảo dưỡng theo TCVN 4453- 87.

            – Vận chuyển cọc : Cọc được vận chuyển bằng xe chuyên dùng, có chiều dài thùng xe đủ để vận chuyển cọc . Cọc để trên xe hay xếp ở bãi tập kết phải kê đúng vị trí để tránh các cọc bị uốn, gãy nứt trong bê tông .

            – Tất cả các công việc của công tác đúc cọc đều được kỹ sư thi công ghi chép vào nhật ký và có sự xác nhận của kỹ sư giám sát .

            – Mỗi đoạn cọc đều có lý lịch rõ ràng .

            C.2. Công tác ép cọc :

            – Trước khi tiến hành ép chúng tôi xuất trình với kỹ sư giám sát thi công lý lịch của các loại máy sử dụng gồm có :

            + Lý lịch máy ép có xác nhận kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền các đặc tính gồm:

                        Lưu lượng dầu trên máy bơm.

                        áp lực bơm dầu lớn nhất.

                        Diện tích đáy pít tông của kích.

            + Phiếu kiểm định chất lượng đồng hồ đo áp lực dầu và các van chịu áp do cục đo lường tiêu chuẩn cấp.

            + Máy ép cọc 100 T : 1 cái và tính năng kỹ thuật như đường kính xi lanh trong, hành trình hữu ích, công suất động cơ, máy bơm thuỷ lực , lực ép tối đa .

            + Máy cẩu 12,5T : 1cái

            + Máy hàn 24 KW: 2cái

            – Cọc được chuyển về Công trình có hồ sơ kỹ thuật và được kỹ sư giám sát chấp nhận :

            + Phiếu kiểm nghiệm tính chất cơ lý của thép , xi măng và cốt liệu .

            + Phiếu kiểm nghiệm xác định cấp phối và tính chất cơ lý của bê tông.

            + Biên bản kiểm tra chất lượng cọc.

+ Định vị cọc:

            Đây là công tác rất quan trọng, vì vậy được chú ý đặc biệt, nhất là lúc ép cọc đầu tiên , gọi là cọc  C1. Nếu cọc này bị nghiêng  sẽ dẫn đến toàn bộ cọc bị nghiêng .

            Chỉnh máy để các đường trục của khung máy, đường trục của kích và trục cọc thẳng đứng và nằm trong một mặt phẳng, mặt phẳng này phải vuông góc với mặt phẳng chuẩn nằm ngang.

+ Lắp đoạn cọc đầu tiên C1:

            – Đoạn cọc đầu tiên C1 phải được lắp dựng cẩn thận cần chỉnh  để trục của cọc C1 trùng với trục cuả kích đi qua điểm định vị cọc. Độ sai lệch cần phải < 1 cm.

            – Đầu trên của đoạn cọc C1 phải được gắn chặt vào thanh định hướng của khung máy. Nếu không có thanh định hướng thì đáy kích hoặc đầu pít tông phải có thanh định hướng. Khi đó đầu cọc C1 phải tiếp xúc chặt với chúng.

+ Tiến hành ép đoạn C1:

            Sau khi căn chỉnh, gá lắp xong đoạn C1 thì tăng dần áp lực của dầu, cần chú ý những giây đầu tiên tăng áp lực chậm đều. Để đoạn C1 cắm xuống đất một cách nhẹ nhàng với vận tốc = 1 cm/s. Khi phát hiện thấy nghiêng phải dừng lại để  căn chỉnh ngay.

+ Lắp và ép nốt các đoạn tiếp theo :

            – Hàn mối nối cọc theo chi tiết mối nối ở bản vẽ thiết kế .

            – Hai đầu của đoạn C2 được sửa cho thật phẳng và gá lắp vào máy.

            – Gia lên cọc một áp lực ở mặt tiếp xúc khoảng 3 – 4 kg/cm2 rồi mới tiến hành hàn nối cọc theo thiết kế .

            – Tiến hành ép đoạn cọc C2 : Khi lực ép tăng lên đột ngột tức là mũi cọc đã gặp phải lớp đất cứng. Cần phải giảm tốc độ nén cọc để cọc có khả năng đi vào lớp đất cứng và để giữ lực ép không vượt qua giá trị tối đa cho phép.

           – Và  tiến hành ép nốt đoạn cọc C3,C4,C5,C6 tương tự như đoạn cọc C2.

+ Kết thúc việc ép xong một cọc :

        Cọc công nhận là được ép xong khi thoả mãn 2 điều kiện :

            – Chiều dài cọc được ép sâu vào trong lòng đất không nhỏ hơn 36m .

            – Lực ép tại thời điểm cuối cùng không thay đổi trong suốt chiều sâu xuyên lớn hơn 3 lần kích thước cạnh cọc. Cụ thể là 3 x 0,3 = 0,9m. Trong khoảng đó vận tốc xuyên không lớn hơn 1cm/s.

+ Công tác ghi chép :

            Việc ghi chép được thực hiện cho từng cọc trong suốt thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Nội dung ghi chép gồm :

            – Loại cọc, số hiệu cọc, các đặc trưng chính.

            – Độ sâu và mức xuyên theo số liệu tại hiện trường theo chiều dài cọc.

            – Ghi chép tải trọng lên từng mét cọc theo độ sâu .

            – Chi tiết ép, kích và quá trình dựng lắp bao gồm ngày, giờ, thiết bị sử dụng, nhân lực (tên người thao tác, kỹ sư chỉ đạo).

            – Vị trí thực của cọc ép, so với những phương án của mặt bằng vị trí đã chỉ ra.

            – Các hiện tượng khác thường xảy ra trong quá trình ép.

            – Tên người giám sát cho mỗi cọc.

+ Công tác hoàn công cọc :

            Sau khi hoàn thành công việc ép cọc, chúng tôi tiến hành vẽ bản vẽ hoàn công nghiệm thu theo giai đoạn để phục vụ cho công tác thi công các hạng mục tiếp theo của công trình. Nội dung hoàn công cọc gồm :

            – Kích thước cọc.

            – Độ lệch tâm theo 2 phương của cọc.

            – Cao trình mũi cọc.

            – áp lực hành trình cuối cùng.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x